Hợp đồng xây dựng nhà cấp 4 [CẬP NHẬT MỚI] Mẫu đầy đủ và chi tiết nhất

  • 30/05/2019
  • 2480

Hợp đồng xây dựng nhà cấp 4 sẽ bao gồm những gì, cần lưu ý gì cho chủ nhà trước khi ký hợp đồng xây dựng. Hãy làm theo lời khuyên của chúng tôi trong bài viết sau đây.

Khi tiến hành xây dựng nhà, bạn cần phải tiến hành ký kết hợp đồng xây dựng nhà cấp 4 để bảo vệ quyền lợi của bản thân và ràng buộc trách nhiệm của đơn vị thi công, phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra như mất tiền, nhà chậm tiến độ.

Mặc dù biết được vai trò quan trọng nhưng không ít người phạm một số sai lầm đáng tiếc như không xem xét kỹ các điều khoản, nội dung hợp đồng thiếu thông tin ràng buộc trách nhiệm nhà thầu, … dẫn đến khi có tranh chấp thì chủ nhà không có cơ sở để đòi đơn vị thi công khắc phục hậu quả. Sau đây là những kinh nghiệm hữu ích giúp bạn tránh được rủi ro khi ký hợp đồng.

hop dong xay dung nha cap 4

Những điều chủ nhà cần làm trước khi thuê đơn vị thi công theo hợp đồng xây dựng nhà cấp 4

Để dự án xây dựng được triển khai suôn sẻ, tránh phát sinh chi phí và gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công, chủ đầu tư cần chuẩn bị và hoàn thiện các công việc sau trước khi ký kết hợp đồng thi công.

  • Tìm kiếm và chọn lựa đơn vị thi công uy tín, kinh nghiệm cho thấy nên chọn các đơn vị có tư cách pháp nhân hơn là tổ đội để đảm bảo tính chuyên nghiệp cũng như đảm bảo họ sẽ thực hiện đúng trách nhiệm như hợp đồng đã đề cập. Tránh cả nể người quen mà nhờ họ thi công dễ dẫn đến những tranh chấp phát sinh trong quá trình thi công sau này.

  • Hoàn tất hồ sơ xin cấp điện, nước và các nguồn tài nguyên này phải có sẵn để phục vụ cho công tác thi công. Chi phí liên quan đến công tác trên sẽ do chủ đầu tư chịu. Trừ trường hợp, mẫu hợp đồng xây dựng nhà ở cấp 4 trọn gói có quy định nhà thầu chịu trách nhiệm các công tác này.

  • Chủ nhà cần liên hệ với chính quyền địa phương để xin phép xây dựng và thông báo ngày khởi công theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp, chủ nhà giao toàn bộ các công việc trong giai đoạn này cho đơn vị thi công lo liệu và tất nhiên, họ sẽ tính thêm một khoản chi phí dịch vụ tương xứng với thời gian bỏ ra để hoàn tất các giấy tờ.

  • Chủ nhà cần liên hệ với chính quyền địa phương để xin phép về việc tập kết vật liệu xây dựng trên vỉa hè hay lòng đường hẻm (nếu có) cũng như trao đổi với các hộ dân xung quanh khi để các vật tư tại những khu vực này, nhằm giúp quá trình thi công được thuận lợi.

  • Bàn giao mặt bằng cho công ty thi công bằng cách chỉ đúng địa điểm ranh giới vị trí đất. Để đảm bảo chính xác và tránh tình huống kiện tụng sau này, bạn nên thuê dịch vụ đo đạc nhằm xác định đúng tọa độ đất. Trong thực tế, có không ít trường hợp, chủ nhà chủ quan, chỉ đo đạc theo thước dây thông thường mà vô tình phạm vào đất bên cạnh, dẫn đến tranh chấp xảy ra làm công trình trì hoãn, chậm tiến độ, thậm chí có trường hợp tạm ngưng để chờ xử lý.

  • Cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến công trình cho đơn vị thi công như: bản vẽ thiết kế, giấy phép xây dựng, giấy thông báo khởi công.

Sau khi đã hoàn tất các công việc chuẩn bị trên hoặc có thể tiến hành song song với việc xem xét các điều khoản trong mẫu hợp đồng xây dựng nhà ở.

hop dong xay dung nha cap 4

Các loại mẫu hợp đồng xây dựng nhà ở cấp 4

Trong quá trình thi công xây dựng nhà, có rất nhiều hợp đồng mà chủ nhà phải xem xét và ký như: mẫu hợp đồng xây dựng trọn gói, hợp đồng thiết kế, hợp đồng thi công, hợp đồng cung cấp vật tư.

  • Hợp đồng xây dựng trọn gói hay còn gọi là hợp đồng chìa khóa trao tay (hợp đồng thi công nội thất nhà phố) : là dạng văn bản ký kết để ràng buộc trách nhiệm của chủ nhà và đơn vị được thuê để thực hiện xây nhà. Theo đó, đơn vị thi công có trách nhiệm phụ trách toàn bộ các công việc như: thiết kế bản vẽ xây dựng, xin giấy phép xây dựng, thông báo ngày khởi công, mua vật liệu xây dựng, tập kết vật tư và máy móc thiết bị, chuẩn bị nhân công, hoàn thiện thi công phần thô và nội thất,… Tóm lại, chủ nhà chỉ việc bàn giao mặt bằng, sau đó, đơn vị thi công sẽ tiến hành triển khai dự án và giao sản phẩm cuối cùng là căn nhà hoàn chỉnh để bạn có thể vào ở.

  • Hợp đồng thiết kế: chủ nhà thuê một đơn vị thiết kế toàn bộ ngôi nhà từ bản vẽ phối cảnh đến bản vẽ xin phép, bản vẽ thi công.

  • Hợp đồng thi công: là hợp đồng mà đơn vị thi công chỉ cung cấp nhân công và máy móc, thiết bị phục vụ cho quá trình xây nhà. Các công việc còn lại, kể cả vật tư do chủ nhà phụ trách.

  • Hợp đồng cung cấp vật tư: là hợp đồng mua vật liệu phục vụ cho dự án xây dựng.

Tùy vào từng mẫu hợp đồng xây dựng nhà ở mà có những điều khoản ràng buộc riêng mà bạn cần xem xét, điều chỉnh và cân nhắc trước khi ký.

Download mẫu hợp đồng thi xây dựng nhà cấp TẠI ĐÂY

hop dong xay dung nha cap 4

Các điểm cần lưu ý trong bản hợp đồng xây dựng nhà ở

Đối với các mẫu hợp đồng xây dựng nhà ở cấp 4 hay bất kỳ nhà phố, biệt thự nào thì bạn cũng cần phải lưu ý các điểm sau và xem xét thật cẩn thận trước khi ký hợp đồng.

  1. Các phần căn cứ của hợp đồng

Với mỗi hợp đồng kinh tế thì đều viện dẫn căn cứ để làm cơ sở trong giải quyết các tranh chấp phát sinh và trong Luật xây dựng cũng có những điều Luật bắt buộc chủ đầu tư và đơn vị thi công phải tuân thủ.

Các căn cứ thường được viện dẫn trong hợp đồng thi công xây dựng là: Luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/06/2014, Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 những quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình (tuy nhiên, đối với hợp đồng xây dựng nhà dân thì hầu hết các chủ nhà sẽ không viện dẫn Nghị định này), Nghị định số 37/2015/NĐ –CP ngày 22/04/2015 (các chi tiết về thành phần của Hợp đồng xây dựng, cái này có thể đưa vào Hợp đồng hoặc không, tùy vào từng chủ nhà).

  1. Các điều khoản của hợp đồng xây nhà cấp 4

  • Xem xét kỹ về đơn giá, chi tiết các hạng mục thi công, tiến độ của từng hạng mục và trị giá tổng của hợp đồng. Các đơn vị thi công chuyên nghiệp sẽ ghi rõ thời gian có thể hoàn thành từng hạng mục và kèm theo đó là chi phí thi công hạng mục đó (ví dụ: 30 ngày hoàn thiện phần móng, 10 ngày hoàn thiện phần thô, …). Đơn giá thường được tính theo m2.

  • Xem xét về chất lượng vật tư, chủng loại từng hạng mục (đối với mẫu hợp đồng thi công trọn gói). Ví dụ: sắt vina kyoei Ø16 dùng cho móng, sắt Ø10 dùng cho cột, xi măng insee, lavabo inax, bồn cầu inax, kính Đình Quốc, kệ rửa bát Tân Á Đại Thành, Bồn nước nóng lạnh Tân Á Đại Thành, điện dây 4.0,…

  • Xem xét kỹ điều khoản thanh toán, chủ nhà cần cân nhắc giá trị thanh toán có tương xứng với khối lượng công việc mà đơn vị thi công đã thực hiện hay không. Trong trường hợp, đơn vị thi công yêu cầu tạm ứng thì giá trị tạm ứng không được quá cao so với giá trị hợp đồng, mức tạm ứng nên trên dưới 10 – 20 triệu để hạn chế rủi ro cho chủ nhà.

  • Chú ý kỹ đến trách nhiệm ràng buộc của 2 Bên. Nếu đơn vị thi công không thực hiện đúng tiến độ thì bị phạt như thế nào? Cung cấp chủng loại vật tư sai thì bị bồi thường ra sao? Chủ nhà thanh toán chậm thì có phạt hay không, và mức phạt được quy định bao nhiêu?

  • Chính sách bảo hành cũng là một trong những điều khoản cần đưa vào hợp đồng vì sau khi chủ nhà nhận bàn giao của đơn vị thi công, sau một thời gian sử dụng, đôi khi sẽ phát sinh vấn đề thấm, dột hay rò rĩ nước,… Thông thường, với hợp đồng trọn gói thì thời gian bảo hành có thể lên tới 12 tháng, còn hợp đồng thuê nhân công thì thời gian bảo hành tầm 3 tháng.

  • Các điều khoản cam kết và Luật được áp dụng để giải quyết tranh chấp và kiện tụng. Điều này thường được nêu rõ trong hợp đồng, ngay cả địa điểm của Tòa án giải quyết tranh chấp cũng đề cập cụ thể.

  • Hiệu lực của hợp đồng: tùy theo thỏa thuận giữa chủ nhà và đơn vị thi công mà hiệu lực của hợp đồng kết thúc ngay sau khi hết thời hạn bảo hành hay sau khi bàn giao nhà.

  • Điều khoản chấm dứt hợp đồng: đây là điều khoản cần phải có trong hợp đồng để bảo vệ quyền lợi của cả chủ nhà lẫn đơn vị thi công. Trong trường hợp, đơn vị thi công quá kém, thực hiện không đúng cam kết hợp đồng về tiến độ, vật liệu xây dựng dẫn đến ảnh hưởng chất lượng chung của cả căn nhà thì chủ nhà có quyền chấm dứt hợp đồng trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực. Ngược lại, nếu chủ đầu tư chậm thanh toán thì nhà thầu cũng có quyền thanh lý hợp đồng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

  • Hợp đồng nên được lập thành 2 bản hay nhiều hơn (tùy thỏa thuận của 2 Bên) nhưng trong hợp đồng xây nhà cấp 4 phải ghi rõ số bản và giá trị pháp luật của các bản là như nhau để mỗi bên đều có thể giữ bản gốc. Điều này rất có giá trị trong trường hợp phát sinh tranh chấp không thể hòa giải dẫn đến 2 bên phải thưa kiện ra tòa.

Các điểm cần lưu ý khi nghiệm thu hợp đồng xây nhà cấp 4

Sau công tác nghiệm thu thì chủ nhà phải tiến hành thanh toán cho đơn vị thi công. Do đó, bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng khối lượng công việc hoàn thành cũng như chủng loại vật liệu đã đúng như cam kết trong hợp đồng. Ngoài ra, trong quá trình thi công, chủ nhà nên thường xuyên ghé kiểm tra để đảm bảo chắc chắn nhà thầu thực hiện đúng yêu cầu, không cắt xen nguyên liệu nhằm đảm bảo nhà được xây dựng kiên cố, đúng với mục đích và xứng đáng giá trị mà bạn đã bỏ ra.

Trên đây là những lưu ý thiết thực giúp bạn có thể kiểm soát tốt các hợp đồng xây dựng nhà cấp 4, giảm rủi ro bị các công ty xây dựng kém uy tín lừa đảo, đồng thời, mang đến cho bạn căn nhà như mơ ước với chất lượng tuyệt hảo trong mức chi phí đã bỏ ra.

Xem thêm : Móng băng là gì? Kỹ thuật thi công móng băng chuẩn quy trình

 

Bình luận